Sách giả thời @: Nghìn lẻ chuyện dở khóc dở cười
VHO- Vi phạm bản quyền sách vốn là câu chuyện muôn thuở, nếu như trước đây hành vi này chỉ thể hiện qua hình thức in lậu, thì nay đã biến hóa ra muôn hình vạn trạng dưới sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0.
Tại TP.HCM, Đường Sách Nguyễn Văn Bình là địa điểm được nhiều bạn trẻ lựa chọn để tìm kiếm sách hay, sách thật
Trước thực trạng trên, vừa qua, Hội Xuất bản Việt Nam, Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Sở TT&TT TP.HCM phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng, qua đó các chuyên gia cùng trao đổi kinh nghiệm, tìm ra giải pháp bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng.
“Cuộc chiến” không hồi kết
Đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, dù đã có hệ thống pháp luật tương đối hoàn chỉnh về bảo vệ bản quyền, tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền ở Việt Nam còn khá phức tạp. Các giải pháp của cơ quan chính phủ, các hiệp hội, doanh nghiệp, tác giả, chủ sở hữu tác phẩm đang gặp rất nhiều khó khăn do thách thức mới của công nghệ. Ông Nguyên đã nêu ra 3 hình thức phổ biến hành vi vi phạm bản quyền sách phổ biến hiện nay: Thứ nhất, bán các sản phẩm sách giả, sách lậu trên các nền tảng thương mại điện tử, các mạng xã hội phổ biến; Thứ hai, sử dụng các website, ứng dụng (app) OTT được cấp phép, các website đăng ký tên miền và đặt server ở nước ngoài, các app OTT lậu, các mạng xã hội phổ biến... để cung cấp sản phẩm sách số (đọc, nghe, nhìn); Thứ ba, lợi dụng công nghệ số, nhất là công nghệ AI để tạo ra các tác phẩm phái sinh nhưng không thực hiện theo đúng quy định về quyền tác giả, quyền liên quan.
Và không chỉ với Việt Nam, mà các nước trong Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á cũng không tránh khỏi vấn nạn vi phạm bản quyền sách nói chung, trên không gian mạng nói riêng. Ông Arys Hilman Nugraha, Chủ tịch Hội Xuất bản Indonesia cho biết: Vi phạm bản quyền sách đã trở thành nguy cơ nhức nhối đe dọa ngành xuất bản Indonesia. Hơn 75% thành viên của Hiệp hội Nhà xuất bản Indonesia (Ikapi) đã phát hiện sách của họ bị vi phạm bản quyền trên các chợ trực tuyến. Thủ tục khiếu nại và loại bỏ sách lậu khỏi chợ không hề dễ dàng. Các sàn thương mại thậm chí có thể trốn tránh trách nhiệm phân phối các sản phẩm bất hợp pháp.
Tại Hội thảo, bà Phan Thị Thu Hà, Giám đốc NXB Trẻ đã cung cấp số liệu nghiên cứu của Media Partners Asia. Theo đó, năm 2022, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số, đứng thứ nhất về đầu người (khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp), làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Với những con số này, ông Nguyễn Văn Phước, Tổng Giám đốc First News bày tỏ sự lo lắng cho ngành xuất bản: “Một cuốn sách thật muốn được xuất bản phải trải qua hàng chục khâu kiểm duyệt chặt chẽ mới được in, phát hành. Còn sản xuất, phát hành sách giả ở Việt Nam sao quá dễ dàng?”.
Đại diện Công ty TNHH công nghệ Wewe Ứng dụng sách nói Voiz FM cho biết, trong suốt hơn 4 năm qua, đơn vị đã phải trực tiếp đối mặt với vấn đề vi phạm bản quyền trên mạng Internet với mức độ ngày càng tinh vi. Nếu như việc phát hiện và xử lý vi phạm bản quyền với sách giấy khó một thì đối với sách nói còn khó gấp mười. Từ tháng 7.2020 đến nay, chỉ riêng Voiz FM đã tiến hành tháo gỡ tới hơn 30.000 nội dung vi phạm.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Công ty sách Thaihabooks chia sẻ, đơn vị ghi nhận tình hình vi phạm bản quyền sách trên mạng từ năm 2019 đến nay đã gia tăng đáng kể. Về sách giấy, cuối năm 2019, hơn 80 quyển sách nhiều thể loại đã được đọc, ghi âm và sản xuất thành audio book bất hợp pháp… Thậm chí, những sách điện tử của Thái Hà còn bị đánh cắp bản quyền trắng trợn, chia sẻ công khai tràn lan trên mạng.
Trước vấn nạn vi phạm về bản quyền số ngày một nhiều, đa dạng và khó kiểm soát, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định: “Theo mức độ lộng hành của nó, hiện nay nạn sách giả, sách lậu đã có thể gọi là quốc nạn. Nó giống như một thứ virus liên tục bào mòn sức khỏe văn hóa, sức khỏe tinh thần của cộng đồng”.
“Hiến kế” giảm thiểu vấn nạn sách giả
Để phát triển nền xuất bản, một trong những yêu cầu cơ bản nhất là phải hoàn thiện và thực thi các quy định về bảo vệ bản quyền. Ở hầu hết các quốc gia, đặc biệt là ở các quốc gia xuất bản phát triển, bản quyền luôn giữ vị trí trung tâm, song hành cùng sự phát triển thịnh vượng hay suy tàn của một nền xuất bản.
Theo nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, không thể đổ lỗi cho độc giả, cũng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc độc giả phải trở thành người tiêu dùng thông thái. Bởi, khi những đối tượng xấu muốn trục lợi từ việc in ấn, phát hành sách lậu, sách giả thì họ sẽ nghĩ ra “trăm phương ngàn kế” để đánh vào tâm lý thích “sale off”, sách đồng giá, sách thanh lý... của người mua. Ông cho rằng, chỉ có các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về kinh tế và văn hóa mới có đủ công cụ để trấn áp vấn nạn này. “Tôi hy vọng các nhà thực thi luật pháp sẽ nghiêm minh hơn và các nhà làm luật cần phải rà soát lại hành lang pháp lý để điều chỉnh tội danh và khung hình phạt đối với các đơn vị làm sách giả, sách lậu sao cho đủ sức răn đe”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bày tỏ.
Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần sách điện tử Waka cho rằng, việc bảo vệ bản quyền sách điện tử phức tạp và nhiều “mặt trận” hơn sách truyền thống. Đôi khi người bị vi phạm còn không biết mình bị vi phạm. Người tiêu dùng cũng không phân biệt được đơn vị nào là chính thống, có sở hữu bản quyền và đơn vị nào là lậu. “Mỗi doanh nghiệp có bản quyền nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh nội dung số, bản quyền điện tử nói riêng cần trang bị cho mình quy trình và công cụ hỗ trợ thuận lợi để nhanh chóng hạn chế các ảnh hưởng từ những đối tượng vi phạm, cũng như cần xác định đầu tư một nguồn lực đủ cho hoạt động rà soát và report diễn ra liên tục không ngừng”, ông Hoàng chia sẻ. Còn với bà Lê Thị Phương Thảo, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Giải pháp công nghệ V&V, việc thực hiện các giải pháp cần sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ tác giả, nhà xuất bản đến cơ quan thực thi pháp luật và nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến. “Thông qua việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật như DRM, watermarking, công nghệ blockchain… theo dõi hoạt động trực tuyến và ưu tiên các dịch vụ đăng ký, ngành xuất bản có thể tăng cường sự bảo vệ cho bản quyền sách và đảm bảo rằng tác giả, nhà xuất bản nhận được giá trị công bằng cho tác phẩm của họ”, bà Thảo nhấn mạnh.
Tổng kết Hội nghị, ông Phạm Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á cho rằng, nạn sách giả, sách lậu trên không gian mạng không thể được giải quyết chỉ bởi một quốc gia riêng lẻ mà phải có sự chung tay của tất cả các quốc gia. “Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cần đi tiên phong trong vấn đề này. Các quốc gia sẽ nỗ lực phối hợp cùng nhau đề xuất các cơ chế, chính sách, biện pháp, chia sẻ kinh nghiệm đấu tranh với hành vi vi phạm bản quyền trong thời gian tới”, ông Tuấn chia sẻ.
HỒNG HẠNH